Bún bánh Ô Sa | ||
Lâu
nay, ai có dịp về đất quê Quảng Điền, hễ nhắc đến bún, bánh thì đều
nghe dân đây nói mời: “Muốn ăn bún, bánh thì về Ô Sa”. Từ câu truyền
khẩu nằm lòng này mới hay ở thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền
cũng có nghề làm bún, bánh ướt truyền thống nức danh không kém bún quê
Vân Cù, xã Hương Toàn của huyện Hương Trà.
Những
người cao niên trong làng kể rằng từ ngày họ sinh ra đã thấy ông bà
mình sống với nghề làm bún, bánh ướt. Nhịp nghề cứ thế nối đến hôm nay
như chưa từng đứt đoạn ở thôn xóm Ô Sa này. Một thời, đàn ông con trai
khoẻ mạnh trong nhà đảm nhận công việc giã gạo thành bột, vặn bún. Người
già tráng bánh ướt. Phụ nữ, con gái lớn gánh sản phẩm toả đi khắp các
phiên chợ quê, phố thị chào hàng tiêu thụ. Hoạt động này của các mẹ, các
chị lâu dần trở thành hình ảnh thân thương khó phai trong tâm trí con
em nơi đây mỗi khi nhắc đến nghiệp quê: “Sáng tinh mơ trên vai bún,
bánh. Trưa lại chiều sản xuất tơi sa”. Để có được mẻ bún, ổ bánh ướt
thành phẩm ưng ý vào lúc 5 – 6 giờ sáng trước khi mang ra chợ phục vụ
khách ẩm thực, thì các hộ gia đình làm nghề phải tiến hành các công đoạn
sản xuất từ trước 1 - 2 giờ sáng. Nhịp nghề này lâu nay đã trở thành
hồn cốt của làng Ô Sa.
Trải
qua bao đời nhà nhà làm bún, bánh, người người đều biết nghề bún, bánh.
Nên chi con bún, cái bánh ướt thành phẩm qua bàn tay chế biến của dân Ô
Sa luôn được khách hàng sành ăn ưa chuộng chọn dùng. Bởi vị ngon riêng
có do bí quyết sản xuất gia truyền hun đúc qua nhiều thế hệ tạo nên.
Chẳng hạn theo dân làm nghề ở đây cho hay: để con bún, cái bánh ướt
thành phẩm có mã đẹp, ráo và không dai quá thì phải chọn loại gạo không
có độ dẻo như gạo 4B, 13/2, T92... sau đó cho gạo vào ngâm nước trong
khoảng thời gian độ 3 giờ rồi vớt ra đưa vào máy xay. Xay xong tiếp tục
để thêm 3 giờ nữa cho bột lắng và gạn tẻ hết lớp nước bọt đọng trên mặt,
khi đó mới đưa bột vào chế biến sản xuất.
Dân nghề bún, bánh Ô Sa cũng đang nỗ lực tranh thủ sự hỗ trợ của ngành công thương tỉnh, huyện theo đề án khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống của tỉnh để tiếp cận đưa vào ứng dụng các thiết bị sản xuất mới như: thiết bị quết, vắt bột và máy ép bún thành sợi. Số lượng và chất lượng sản phẩm nhờ đó được nâng lên. Nay, mỗi ngày có nhà làm ra cả chục tạ bún chứ không phải cao lắm chỉ được dăm ba chục cân như trước đây. Hàng chạy đều. Thức thời với nhu cầu thị trường tiêu dùng, hiện ở Ô Sa có hộ đã chuyển sang sản xuất mặt hàng bún khô đem lại thu nhập khá. Đây được xem là bước khởi động tích cực trong tiến trình đa dạng hoá sản phẩm để làng nghề tiếp tục phát triển. Dân yêu nghề, quyết giữ nghề, chỉ bởi một lẽ đó là nghề mà cha ông đã truyền lại. Bao đời nay, nghề làm bún, bánh đã nuôi sống cha ông họ và chính họ. Đây là cơ sở quan trọng để Ô Sa duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của mình.
Là
thực phẩm ngon quen khẩu vị hàng ngày, tin rằng nghề làm bún, bánh ướt ở
Ô Sa vẫn cứ đều đặn diễn ra mỗi ngày như một. Nghiệp làng cứ thế nối
dài, đưa danh vang xa.
Đồn Phổ Lại
Di tích đồn Phổ Lại bên
cạnh cầu Phổ Lại, thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, cách thành phố Huế khoảng
29km.
Tại đây năm 1948 thực
dân Pháp cho xây dựng đồn nhằm phong tỏa, đàn áp các lực lượng cách mạng của
ta. Ngày 9 tháng 3 năm 1951 tiểu đoàn 463 thuộc trung đoàn 101 đã phối hợp cùng
quân dân địa phương đã tổ chức trận đánh tiêu diệt đồn Phổ Lại, đây là trận
đánh cường tập đầu tiên của quân dân huyện Quảng Điền, làm nức lòng nhân dân địa
phương, địa điểm này đã xây dựng bia chiến tích và dấu tích lô cốt bị đánh sập.
Lễ hội
Lễ hội truyền thống gồm có lễ hội xuống đồng tháng 11 hàng
năm gồm những nghi lễ cầu cho mùa màng bội thu. Lễ hội dân gian như tế Thu, tế
Đông chí ở các đình làng cầu an bình cho làng. Hội đua thuyền hàng năm, hội đu
tiêu ở các làng Sơn Tùng, Đông Lâm.
|
Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012
Tour Quang Vinh
Tới xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, bạn đừng quên thưởng thức món bún, bánh Ô Sa, thăm đồn Phổ Lại.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét